Giáo sư Võ Quý, người từng nhận giải thưởng “Hành tinh xanh” năm 2003, vừa được tạp chí Time bình chọn là “Anh hùng môi trường” năm 2008 cùng 34 nhân vật là các chính khách, nghệ sĩ, nhà khoa học khắp thế giới.
Trong ngôi nhà giản dị ở một hẻm nhỏ ven đô, thay vì kể về những thành tích và giải thưởng đầy vinh quang, vị anh hùng môi trường ngồi điểm lại những… thất bại của mình! Trong suốt gần 60 năm đấu tranh không mệt mỏi cho cuộc sống trong lành hơn của con người, ông cho rằng những thất bại ấy ai cũng có thể rút ra từ đó những bài học để hành xử với thiên nhiên, con người và cộng đồng.
Hòa bình rồi, thống nhất rồi mà rừng vẫn tiếp tục bị chặt phá. Vì mưu sinh người ta phải phá rừng. Và phá rừng thì lũ lụt, hạn hán đổ xuống, mất mùa, đói kém, lại càng phá rừng, ăn vào rừng như ăn vào chính da thịt mình, ăn vào tương lai của con cháu mình.
Ngay sau đó, tôi cũng đã tổng kết những nghiên cứu, giải pháp về môi trường VN của mình và viết thành cuốn sách VN – những vấn đề về môi trường – chiến lược phát triển của đất nước. Sách được đánh giá rất cao tại Hiệp hội Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (IUCN), và tôi được bầu làm chủ tịch tiểu ban phát triển chiến lược cho các nước đang phát triển.
Nhưng đó là đánh giá của bên ngoài. Còn trong nước, tôi thấy những cố gắng của mình đôi lúc lạc lõng, thậm chí còn bị coi là “cản trở phát triển”. Những năm 1980-1990, tôi làm nhiều dự án môi trường ở miền núi, trung du, bị nhiều sự phản đối, nhất là ở Tây nguyên. Tôi và đồng sự thất bại cũng nhiều”.
Thưa GS, thất bại lớn nhất mà GS gặp phải có phải từ sự không đồng thuận trong nhận thức của chính quyền địa phương?
– Chính quyền không có cái nhìn đúng về môi trường là một thách thức. Nhưng thách thức lớn nhất là không nhận được sự ủng hộ của người dân.
Đã có những dự án tôi phải làm mất mười năm, qua ba lần thất bại, lần thứ tư mới thành công. Đó là một dự án khôi phục đất bị suy thoái ở Vĩnh Phú. Lần thứ nhất chúng tôi chọn một quả đồi làm mẫu cho dân đến xem. Trên đồi trồng rừng, dưới là những ruộng đồng mức, dưới nữa đắp đập thả cá, trông đẹp lắm.
Sau đó quay lại, tất cả cây trồng mất sạch, dân bê về nhà họ từ bao giờ. Lần thứ hai làm lại, thuê công an về trông, lại còn mất nhanh hơn. Trẻ con thả trâu bò lên đồi, công an đuổi, chúng đợi công an ngủ, lùa cả đàn trâu bò lên quần nát. Lần thứ ba chuyển địa điểm sang xã khác, không thuê công an mà nhờ các cụ phụ lão trông nom. Được vài hôm đã thấy các cụ nhắn tin kêu trả lại. Thì ra trẻ con tức tối vẽ bậy khắp các bức tường trong xóm: chúng vẽ những con chó giữ nhà. Các cụ giận dữ bảo: không làm chó giữ nhà cho các ông!
Lần thứ tư chúng tôi biết phải làm gì: mời người dân đến, thuyết trình dự án, hỏi ý kiến họ xem ai muốn tham gia, dự định trồng cây gì, bao nhiêu lâu, ký hợp đồng cụ thể, ai chịu trách nhiệm và quyền lợi đến đâu. Cuối cùng thì ổn. Và đó chính là mô hình vườn rừng đầu tiên thành công ở miền Bắc. Bây giờ nhiều người làm và làm tốt lắm rồi, nhưng để có mô hình đó chúng tôi mất đúng mười năm.
* Thưa GS, nhưng thực tế thiên tai lũ lụt đã và đang ngày càng nhiều, đó là hệ quả tất yếu của việc tàn phá môi trường. Có vẻ như các “sách lược môi trường” của GS chỉ được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và đánh giá cao, còn trong nước thì…
– Xin được nói ngay là những thiên tai liên tiếp vừa qua như lũ quét, trận ngập lụt lịch sử ở Hà Nội… không thể gọi là thiên tai mà chính là nhân tai. Lấp hết hồ ao, lấn sông lấn ngòi thì nước thoát vào đâu mà không ngập úng. Chặt hết rừng thì lấy gì giữ nước mà không lũ quét.
Theo tôi, tình hình môi trường ở VN đang tiến đến chỗ không kiểm soát nổi. Hơn 20 năm trước, chúng tôi đã cảnh báo về ô nhiễm môi trường ở Khu công nghiệp Vĩnh Phú, đêm ngủ ở nhà ông bí thư tỉnh ủy mà mùi hóa chất cay nồng từ nhà máy super phôtphat xộc vào mũi. Tôi bảo ông bí thư: “Chúng ta và con cháu sẽ ung thư hết vì thứ này”. Nhưng ông bí thư bảo: “Đồng ruộng cần phân bón hơn, năng suất lúa thấp lắm, dân sợ đói hơn sợ ung thư”.
Hồi đó mới có khoảng vài chục nhà máy như super phôtphat, bây giờ đã hàng ngàn cái như Vedan. Luật thì có nhưng lờ mờ, dân không biết mình có quyền đòi hỏi pháp luật bảo vệ khi bị ô nhiễm môi trường, người thực thi pháp luật thì không biết hay cố tình thực hiện sai, người làm đúng thì bị uy hiếp. Thực trạng đó không đổ lỗi cho dân, cũng không đổ lỗi cho nhà khoa học được, rõ ràng là do bộ máy và do những người lãnh đạo.
Nhưng tôi không nản đâu, sức mình làm được đến đâu thì cứ tiếp tục làm, rồi con cháu, học trò, người dân ở những nơi mình đã đến… Mỗi người cùng góp một chút nhận thức, một chút kiến thức, một chút hành động thì cả cộng đồng sẽ khác. Vì vấn đề môi trường, suy cho cùng, là của cộng đồng, của cả nhân loại cơ mà.
Theo Hanoigreen
No comments:
Post a Comment