Tuesday, November 15, 2016

BAO GIỜ MỚI THẤY MẶT TRỜI


Hiến pháp Mỹ, điều vĩ đại trong các điều vĩ đại của đất nước Hoa Kỳ.
Người dân của nước này, ngoài việc tạo ra cơ chế tự kiểm soát quyền lực nhà nước bằng sự đối trọng đa đảng phái và cơ chế độc lập của ba nhánh: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, đặc biệt, Toà án chính là nơi canh giữ và bảo vệ Hiến pháp trong mọi hoàn cảnh, kể cả phải xét xử tổng tống hay những đạo luật của nghị viện được ban hành ra mà có dấu hiệu xâm phạm vào hiến pháp.
Nhân dân Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ luôn coi Hiến pháp là một thứ quyền lực tối cao để bảo vệ mình trước mọi sự xâm phạm từ bất kể bên nào khác, đặc biệt là quyền tự quyết của nhân dân Hoa Kỳ đối với chính quyền và hệ thống chính trị sẽ được uỷ quyền mà quản lý.
Hiến pháp Mỹ phải mất 2 năm mới được thuyết phục thông qua bởi 09/13 bang để chính thức có hiệu lực trên toàn lãnh thổ vào năm 1789, và nó đứng vững chãi như một tuyệt tác thứ 8 của thế giới sau 7 kỳ quan thiên nhiên được lựa chọn mỗi năm.
Chúng ta, sau 60 năm có tới 5 bản Hiến pháp được ban hành và thay đổi, và Điều 4 đã khiến cho mọi quyền lực khác đều trở thành thứ yếu và trở nên gần như vô hiệu. Hiến pháp bất ổn thì toàn bộ hệ thống luật pháp được ban hành kèm theo cũng sẽ trở nên bất ổn mang tính hệ thống tiếp theo, mà chúng ta đang gặp phải cũng như gánh chịu hậu quả của nó.
Chúng ta, không có triết lý về pháp lý và chính trị, nên cứ mãi quẩn quanh với những thứ lối mòn, bế tắc và sai lầm không thể thoát ra. Chúng ta chưa có bản Hiến pháp đúng nghĩa là Hiến pháp trên cơ sở triết lý học thuật văn minh thực sự.
Bao giờ mới thấy mặt trời ló rạng?
-------------
Trong bài báo, có đoạn viết sai về năm ban hành của Hiến pháp, chính xác phả là 1787, lại ghi thành 1797, nên đề nghị BBT báo sửa lại chi tiết này.

Luân Lê

Quản lý yếu kém ai được lợi?


Khi tôi nói về câu chuyện 500 container gạo xuất khẩu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng bị Mỹ trả về, một bạn trẻ comment đại ý như sau:
Nhà em vừa cấy lúa, cũng vừa bán thuốc bảo vệ thực vật. Nói chung lượng thuốc dùng trong một vụ lúa nhiều vô cùng luôn...
Nhìn những người nông dân giữa cái nắng tháng 5 oằn mình mang những bình thuốc sâu phun khắp cả cánh đồng, mà mùi thuốc nồng nặc bốc lên, nản vô cùng! Là họ cũng đang tự giết mình đó thôi.
-----
Năm ngoái, tôi đi một số tỉnh như Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, thấy họ thường phun thuốc đậm đặc gấp đôi, một vụ phun cả 7-8 đợt.

Có sâu bệnh thì phải phun thuốc, tất nhiên tôi hiểu điều này. Nhưng cán bộ ngành bảo vệ thực vật lại hướng dẫn phun những loại thuốc hoá học thời gian cách ly dài. Nông dân chẳng biết thế nào là hoá học hay sinh học, cứ cán bộ bảo sao là làm vậy.
Mối quan hệ giữa doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và cán bộ các chi cục bảo vệ thực vật là điều không cần phải bàn nhiều. Như ở Phú Thọ, bố làm chi cục trưởng chi cục bảo vệ thực vật, con làm ở doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm hướng dẫn sử dụng đa phần là thuộc công ty của con.
Cái gốc của vấn đề nông sản độc hại không phải ở người nông dân, mà ở quản lý. Một năm sử dụng tới 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật thì lỗi thuộc về ai? 10 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dưới thời ông Cao Đức Phát đã làm gì?
Tổng cục An ninh (Bộ Công an) mới đây đã khẳng định, mua bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra hết sức phức tạp. Công tác quản lý sử dụng các loại thuốc này còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng mất an toàn thực phẩm, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Cũng dễ hiểu thôi, bởi một người như ông Nguyễn Xuân Hồng mà giữ chiếc ghế cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật suốt nhiều năm ròng rã, thì chẳng thể có kì vọng gì. Một người dám cả gan tuyên bố táo, khoai tây có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép nhưng người dân ăn cũng không sao, thì hi vọng gì vào việc ông ta sắp xếp lại ngành thuốc bảo vệ thực vật cho dân nhờ?
Quản lý tốt thì dân được lợi. Thực trạng rối ren thì ai trục lợi?

Bạch Hoàn

LS Lê Công Định:"Loay hoay làm thế nào cách chức một ông bộ trưởng đã không còn đương chức cho thấy nền tảng pháp lý của hệ thống chính quyền đầy thiếu sót..."

Loay hoay làm thế nào cách chức một ông bộ trưởng đã không còn đương chức cho thấy nền tảng pháp lý của hệ thống chính quyền đầy thiếu sót, vì không biết du nạp những nguyên tắc của một nền hành chính thông thường.
Thật ra việc này không đáng đặt ra, huống chi để bàn thảo tới lui, bởi lẽ câu trả lời hiển nhiên đến mức khỏi động não suy nghĩ. Tôi mạn phép góp ý với Chính phủ và Quốc hội như sau:
Thứ nhất, có một nguyên tắc quan trọng trong ngành luật hành chính, đó là các định chế, chức vụ hay bản văn hành chính chỉ bị huỷ bỏ khi được thiết lập sai thẩm quyền hoặc sai trình tự pháp lý.
Huỷ bỏ có hiệu lực hồi tố ngược về thời điểm thiết lập. Hệ quả là các định chế, chức vụ hay bản văn hành chính bị huỷ bỏ xem như chưa từng hiện hữu.
Thứ hai, một nguyên tắc kế tiếp cũng trong ngành luật hành chính, đó là khi các định chế, chức vụ hay bản văn hành chính vi phạm luật pháp trong quá trình hoạt động, thực thi công vụ hoặc áp dụng, thì sẽ bị đình chỉ, cách chức hoặc chấm dứt hiệu lực một cách tương ứng.
Đình chỉ, cách chức hoặc chấm dứt hiệu lực sẽ có hiệu lực về tương lai, tức là trước đó vẫn có giá trị pháp lý nhưng chỉ chấm dứt vào thời điểm bị tuyên vô hiệu.
Thứ ba, chỉ có thể sử dụng biện pháp cách chức đối với nhân viên công quyền còn đương chức. Xét trường hợp cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ông đã thôi chức vụ thì không thể cách chức, mà ngay cả cách chức lúc đương nhiệm cũng không thể áp dụng hồi tố.
Thứ tư, nói rằng "theo nguyên tắc, ai bổ nhiệm thì người đó có quyền cách chức" là hoàn toàn sai. Việc bổ nhiệm công chức tuân theo thẩm quyền và trình tự pháp lý được ấn định trong hệ thống hành chính, chứ không dựa vào tương quan cá nhân. Người bổ nhiệm không còn tại chức thì người kế nhiệm vẫn có thể hành xử thẩm quyền tương đương.
Nếu chấp nhận những nguyên tắc cơ bản của một nền hành chính thông thường, tôi tin Chính phủ và Quốc hội không nhất thiết mất thời gian bàn thảo vấn đề làm sao cách chức cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Lê Công Định

Get paid to share your links!