Tuesday, September 27, 2016

BỒI THƯỜNG 500 TRIỆU ĐÔ - SỰ THỎA THUẬN TRÁI LUẬT VÀ GIẢI PHÁP CHO CÁC BÊN

Ảnh: Người dân Quỳnh Lưu đến Tòa án Thị xã Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện Formosa vào hôm nay.
Hôm nay 26/9, khoảng 600 người dân ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - một địa phươngkhông có tên trong danh sách phê duyệt được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đã cùng nhau kéo đến Tòa án Thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) để nộp đơn khởi kiện Formosa yêu cầu bồi thường thiệt hại và đóng cửa Formosa.
Trước đó, hôm 22/9/2016, hơn 1.000 hộ dân ở xã Kỳ Lợi, Huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã gửi đơn đến Chính phủ và Quốc Hội “yêu cầu chi trả tiền bồi thường thiệt hại” tổng cộng hơn 2 ngàn tỉ đồng trích từ số tiền bồi thường 500 triệu đô.
Thông tin này đáng lưu ý ở điểm, chỉ mới có một Xã với hơn 1.000 hộ dân mà số tiền yêu cầu bồi thường đã chiếm 1/5 trên tổng số tiền bồi thường. Như vậy, mức độ thiệt hại của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, với khoảng hơn 100 ngàn hộ gia đình thiệt hại sẽ cao hơn hàng chục lần số tiền 500 triệu đô mà chính phủ đã “lỡ nhận” từ thỏa thuận với Formosa.
Như vậy, có thể nói rằng người dân bị thiệt hại trong vụ việc này đã chủ động đòi bồi thường thiệt hại thực tế của mình mà không chấp nhận sự áp đặt của chính quyền về mức giá bồi thường và địa phương được bồi thường.
Khi số thiệt hại thực tế cao hơn số tiền bồi thường mà chính phủ đã lỡ thỏa thuận với Formosa, trong trường hợp này, chính phủ sẽ bỏ tiền túi ra để bù cho đủ hay cưỡng ép người dân nhận số tiền bồi thường thấp hơn nhiều lần so với mức thiệt hại thực tế của họ?
Hậu quả pháp lý phát sinh trong trường hợp này là gì? Người dân bị thiệt hại có bị ràng buộc bởi thỏa thuận giữa chính phủ và Formosa hay không? Và giải pháp để giải quyết vấn đề này là như thế nào?
Bài viết này sẽ chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng từ pháp lý lẫn thực thế của sự thỏa thuận 500 triệu đô này.

"Nhà nước bỏ mặc tài sản bị thiệt hại"
Căn cứ vào khoản 3 điều 61 Luật Bảo vệ Môi trường thì tranh chấp trong lĩnh vực môi trường là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chủ thể bị thiệt hại trong lĩnh vực môi trường không chỉ có người dân, doanh nghiệp mà còn có cả nhà nước. Căn cứ vào điều 53 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển,[..] là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Và điều 200 Bộ Luật Dân sự quy định: “Tài sản sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm[…] nguồn nước, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển […]”
Hiến pháp và Luật Dân sự đều thừa nhận nguồn nước và nguồn lợi tự nhiên vùng biển là tài sản thuộc hình thức sỡ hữu nhà nước, như vậy việc Formosa gây ra những thảm họa môi trường đối với tài nguyên nước, nguồn lợi ở vùng biển và tài nguyên thiên nhiên, thì khi đó tài sản nhà nước đã bị thiệt hại, và nhà nước có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại là Formosa phải bồi thường cho mình.
Thực tế từ các quốc gia trên thế giới, chủ thể xâm hại đến môi trường đều phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước. Chẳng hạn như vụ Công ty BP gây ra sự cố tràn dầu hồi năm 2001 ở Vịnh Mexico Hoa Kỳ , đến tháng 7 năm nay, họ đã công bố số tiền bồi thường lên đến 61,6 tỷ đô la (và còn tiếp tục bồi thường trong tương lai), trong đó 1/3 số tiền này phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước liên bang và tiểu bang Hoa Kỳ.
Trong 5 điểm cam kết của Formosa được báo chí loan tải, đã không đề cập đến việc Formosa bồi thường thiệt hại cho nhà nước Việt Nam, mà chỉ… “xin lỗi Chính phủ”.
Nhà nước không được Formosa bồi thường cho mình trong vụ việc này rõ ràng đang tự tước đi quyền được hưởng bồi thường của mình và bỏ mặc cho tài sản của mình bị thiệt hại trong tư cách đang đại diện sở hữu cho toàn dân về tài sản nguồn nước và nguồn lợi ở vùng biển.
Đó là chưa kể đến việc nhà nước quên luôn thẩm quyền xử phạt của mình đối với hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng của Formosa.
Như vậy, lẽ ra trong trường hợp này, chính phủ cần phải dựa vào pháp luật để bảo vệ tài sản của mình và dùng thẩm quyền để xử phạt Formosa, thậm chí là khởi tố Formosa, thì chính phủ lại chọn cách “đi đêm” với Formosa bằng một thỏa thuận trái pháp luật để lấy 500 triệu đô, khi mà nhà nước chưa tiến hành việc kê khai và thống kê thiệt hại.
"Thỏa thuận trái pháp luật"
Thứ nhất, căn cứ theo khoản 2 điều 56 Bộ Luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) quy định: “Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.” Và điều 181 Bộ luật Tố tụng Dân sự nêu rất rõ: “Những vụ án dân sự không được hoà giải: 1. Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. 2.[…]”
Căn cứ vào khoản 2 điều 56 và điều 181 BLTTDS có thể khẳng định, việc Formosa với các Bộ ngành Chính phủ thỏa thuận bồi thường 500 triệu đô là hành vi trái luật, vì việc bồi thường đã được thực hiện bằng phương thức hòa giải (thỏa thuận, thương lượng)-một phương thức giải quyết không được pháp luật công nhận khi liên quan tới tài sản nhà nước.
Theo quy định về phương thức giải quyết thì cơ quan nhà nước không được thỏa thuận, thương lượng với Formosa về mức bồi thường, phương thức thỏa thuận, thương lượng chỉ được áp dụng đối với thiệt hại của cá nhân, doanh nghiệp. Nhà nước muốn được Formosa bồi thường cho mình, trong trường hợp này đại diện cho nhà nước ở lĩnh vực mình phụ trách mà ở đây là Bộ Tài Nguyên Môi trường phải khởi kiện Formosa ra tòa án để yêu cầu bồi thường.
Thứ hai, nếu nói số tiền thỏa thuận 500 triệu đô này là nhà nước thay mặt cho người dân bị thiệt hại nhận bồi thường, hỗ trợ thì lại càng vi phạm pháp luật trắng trợn. Vì thực tế những người dân bị thiệt hại chưa có bất kỳ một sự ủy quyền nào cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay mặt, đại diện cho mình trong vụ việc này.
Từ khi xảy ra vụ việc "cá chết" cho tới cuối tháng 8, không một cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào tiếp xúc với người dân bị thiệt hại, đứng ra hỗ trợ người dân kê khai thiệt hại và cũng không có một hướng dẫn pháp lý nào để người dân xử lý vụ việc. Đến đầu tháng 9, một số chính quyền cấp tỉnh ở vùng bị thiệt hại đã tiến hành tổ chức kê khai thiệt hại theo Công văn 6851/BNN-TCTS của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nhưng mẫu kê khai thiệt hại do Bộ này đưa ra đã không làm rõ thiệt hại thu nhập thực tế của nạn nhân và chỉ tính thiệt hại trong 6 tháng. Điều này đã dẫn đến sự bất hợp tác của người bị thiệt hại trong việc kê khai theo mẫu của chính quyền và người dân đã chủ động kê khai thiệt hại theo mẫu riêng của mình dưới sự hướng dẫn của các luật sư.
Giả sử người bị thiệt hại có sự ủy quyền cho các cơ quan có thẩm quyền nhà nước, thì đó cũng là sự ủy quyền không hợp lệ. Bởi, như đã phân tích ở phần trên, vụ việc này là tranh chấp dân sự, đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì các bên phải tự giải quyết với nhau chứ cơ quan hành chính nhà nước không được phép đứng về bên nào để can thiệp và chi phối vào quá trình này.
Như vậy, đủ căn cứ để kết luận rằng, thỏa thuận 500 triệu đô bồi thường giữa Chính phủ và Formosa là một sự thỏa thuận trái pháp luật. Thỏa thuận này đã không tuân theo bất kỳ một quy định về mặt pháp lý lẫn quy trình thực tế. Và hiển nhiên thỏa thuận này sẽ không có hiệu lực pháp lý.
"Vấn đề pháp lý phát sinh"
Về nguyên tắc, những người bị thiệt hại không tham gia vào quá trình đàm phán hoặc ủy quyền hợp pháp cho người khác tiến hành thỏa thuận, thương lượng thay cho mình, thì các văn bản cam kết liên quan tới họ không có giá trị pháp lý - và không có sự ràng buộc đối với họ. Vì vậy ngư dân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị thiệt hại có quyền thực hiện một thương lượng khác với Formosa yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc tiến hành khởi kiện luôn Formosa ra tòa.
Trong trường hợp người dân bị thiệt hại chọn phương pháp thương lượng với Formosa để yêu cầu đòi bồi thường, thì khó lòng nhận được sự hợp tác từ phía Formosa. Vì Fomosa sẽ dựa vào sự thỏa thuận với chính phủ trước đó, theo kiểu: “Chúng tôi đã có đàm phán, thỏa thuận về số tiền bồi thường thiệt hại với chính phủ của các ông bà rồi, và chúng tôi đã hoàn thành xong nghĩa vụ bồi thường rồi. Các ông bà hãy tìm đến chính phủ của các ông bà mà lấy tiền bồi thường”.
Vì vậy vấn đề pháp lý thứ nhất phát sinh ở đây là, người dân giờ muốn đòi bồi thường thiệt hại phải đi "tìm nhà nước" để lấy tiền như hơn 1.000 hộ dân ở Kỳ Anh đã làm vào hôm 22/9 - trong khi nhà nước cũng là chủ thể bị thiệt hại trong vụ việc này.
Chủ thể bị thiệt hại này (là người dân) đi đòi tiền bồi thường từ chủ thể cũng bị thiệt hại khác (là nhà nước). Hai chủ thể bị thiệt hại này trong thời gian tới có thể sẽ đối thoại và thương lượng với nhau về số tiền bồi thường. Đúng là sự bi hài về pháp lý và thực tế!
Và vấn đề pháp lý phát sinh thứ hai, người dân bị thiệt hại sẽ khởi kiện luôn Formosa ra tòa để yêu cầu đòi bồi thường như 600 người dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã thực hiện vào ngày hôm nay. Nếu Tòa án thụ lý đơn kiện và mở phiên tòa xét xử, Formosa tiếp tục lấy “lá bùa” từ thỏa thuận 500 triệu đô với chính phủ làm bằng chứng pháp lý để chứng minh rằng họ đã hoàn thành xong nghĩa vụ bồi thường. Tòa án Việt Nam có đủ gan để ra phán quyết thỏa thuận 500 triệu đô đó là trái luật, nên không có giá trị ràng buộc pháp lý đối với người dân bị thiệt hại hay không?
Qua đó cho thấy, thỏa thuận lấy 500 triệu đô là một sai lầm chiến lược pháp lý lẫn phương án xử lý khủng hoảng của Chính phủ - trước con cáo già Formosa có thừa kinh nghiệm đối phó với những vụ việc thế này trên khắp thế giới.
Chiến thuật của Formosa trong vụ việc này là đặt Chính phủ vào thế phải “cùng hội, cùng thuyền” với Formosa trong việc xử lý khủng hoảng và đối phó với làn sóng người dân bị thiệt hại yêu cầu đòi bồi thường, khi Chính phủ đã lỡ thỏa thuận và lỡ nhận tiền "trọn gói" từ Formosa.
Nếu Chính phủ cẩn trọng và tỉnh táo hơn, thể hiện thái độ trung dung như trong vụ việc Vedan xả thải gây ô nhiễm sông Thị Vải như hồi năm 2008, thì tình hình đã không nghiêm trọng và khó xử lý như bây giờ.
"Giải pháp"
Trong bối cảnh này tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
1. Đối với người dân bị thiệt hại: 
Cần chủ động hoàn tất việc kê khai thiệt hại chính xác, trung thực ngay từ bây giờ, cần lưu ý kê khai thiệt hại thu nhập không chỉ gói gọn trong những tháng vừa qua, mà phải trong ít nhất là 5 năm tới. Hãy chủ động tìm kiếm sự tham vấn ý kiến của các luật sư trong quá trình kê khai thiệt hại. Sau đó có thể ủy quyền cho những người uy tín và kiến thức để tiến hành đối thoại và đàn phán với Chính phủ và Formosa, yêu cầu Formosa nâng số tiền bồi thường đúng và đủ cho thiệt hại của mình, như cách mà người dân ở Kỳ Anh đã làm. Khi thương lượng bất thành, có thể khởi kiện Formosa ra tòa.

Hoặc có thể làm như cách của như người dân ở Quỳnh Lưu đã làm hôm nay. Không cần thỏa thuận, thương lượng mà khởi kiện luôn Formosa ra tòa để yêu cầu 2 vấn đề sau: (1) Yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại thực tế và có cơ sở chứng minh sự thiệt hại ấy; và (2) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Formosa tạm dừng hoạt động sản xuất cho đến khi có biện pháp khắc phục vĩnh viễn tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhằm ngăn chặn khản năng tiếp tục gây ra thiệt hại khác.
2. Đối với chính quyền: 
Cần công bố chi tiết bản thỏa thuận với Formosa liên quan đến 500 triệu đô để sự minh bạch sẽ là một giải pháp tốt nhằm khắc phục sai lầm.

Tôn trọng quyền dân sự của người dân trong vụ việc này. Nếu chính quyền tiếp tục chính trị hóa việc khởi kiện của người dân bị thiệt hại, rồi tìm cách ngăn cản việc khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường chính đáng của họ, thì sẽ dẫn đến một sai lầm khác, nghiêm trọng hơn không thể cứu vãn. Một khi người dân đã chon cách hành xử bằng pháp luật, sử sụng đến pháp luật là công cụ để đòi công lý và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình mà không được tôn trọng, thì có thể dẫn đến cách hành xử vượt ra ngoài vòng pháp luật và xung đột bạo lực giữa người dân và chính quyền là hiện hữu.
Nói một cách khách quan, tòa án Việt Nam nếu muốn thụ lý vụ việc này cũng đành “bất lực” vì quá tải, khi có ít nhất hàng chục ngàn hộ gia đình đã sẵn sàng nộp đơn khởi kiện như vậy trong thời gian tới. Pháp luật Việt Nam không chấp nhận cho việc khởi kiện tập thể đã gây ra một khó khăn cho tòa án thụ lý và xét xử vụ này.
Gần đây, Tòa án Hình sự Quốc tế vừa mở rộng thẩm quyền xét xử liên quan đến tội ác môi trường. Đây sẽ là cánh cửa cho chính quyền Việt Nam thoát ra cảnh “cùng hội, cùng thuyền” với Formosa mà trở lại hướng đi trung dung cần có của mình, bằng cách Quốc Hội Việt Nam có thể ra một Tuyên bố “chấp nhận thẩm quyền xét xử của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với hành vi tàn phá môi trường mà Formosa đã gây ra” theo Khoản 3, Điều 12 của Quy chế Rome.
Điều này sẽ mở đường cho nạn nhân Việt Nam đưa Formosa ra Tòa án Hình sự Quốc tế để tìm kiếm công lý và công bằng. Người dân bị thiệt hại hoàn toàn có đủ năng lực để làm được điều đó.
Và lúc này, người dân cần những nhà lãnh đạo đưa những quyết sách sát cánh cùng người dân trong cuộc chiến pháp lý với Formosa, chứ không cần những nhà lãnh đạo đến vùng “cá chết” cưỡi ngựa xem hoa, ở trần tắm biển và ăn hải sản nhóp nhép một cách thô tục trước ống kính cho mục đích tuyên truyền.

SAI LẦM PHÁP LÝ CHIẾN LƯỢC


Bức ảnh dưới đây phơi bày sự khôi hài tột độ của nền tư pháp Việt Nam hiện đại, bởi lẽ không ở quốc gia nào công dân thực thi quyền tố tụng của mình theo luật định lại bị cả hệ thống chính trị đầy sợ hãi dùng công an cản trở, đe dọa và bao vây thế này!
Thay vì đứng về phía nhân dân xử lý thảm họa môi trường và buộc kẻ vi phạm tuân thủ luật pháp quốc gia, nhà cầm quyền Việt Nam lại chọn giải pháp bao che kẻ thủ ác vì những lý do khó hiểu, và nhục nhã trở giáo đối đầu với nhân dân mình.
Sai lầm pháp lý chiến lược của nhà nước trong vụ án này là ở chỗ vội vã thương lượng với Formosa một khoản tiền bồi thường hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý về mọi phương diện, bất chấp thiệt hại thực tế của các nạn nhân.
Sai lầm ấy nay trở thành điểm yếu chiến lược trong cuộc chiến vì môi trường của bên lẽ ra nắm giữ ngọn cờ chính nghĩa là nhà nước, nếu họ biết lựa chọn đứng bên cạnh nhân dân của mình. Trong khi đó, kiên trì tận dụng giải pháp pháp lý mặt khác đã trở thành thế mạnh của bên yếu thế ban đầu chính là các nạn nhân của thảm họa ở miền Trung.
Nhiều nhà phân tích thời cuộc từng nghĩ rằng cuộc chiến pháp lý nên diễn ra ở nước ngoài mới may ra giành lại công lý cho nạn nhân. Tôi nghĩ khác, chiến trường phải ở đây, nơi thảm họa đang xảy ra và nạn nhân đang sinh sống. Và công cụ pháp lý phải là vũ khí chiến lược, cần được sử dụng một cách uyển chuyển.
Do sai lầm pháp lý chiến lược của mình, nhà nước đã biến vấn đề thuần túy dân sự thành chính trị. Họ sẽ mãi mãi mệt mỏi vì nỗi ám ảnh chính trị này, bởi trận chiến pháp lý-chính trị chống Formosa chỉ mới bắt đầu, trừ phi họ phải sớm từ bỏ Formosa như từ bỏ con tàu Titanic chắc chắn sẽ bị đánh chìm bởi cơn phẫn nộ của toàn thể dân tộc này.
Như tôi đã nhiều lần cảnh báo trước đây, hàng ngàn đơn kiện của các nạn nhân sẽ tràn ngập Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, khiến tòa này sẽ bị tê liệt. Hôm nay Linh mục Anton Đặng Hữu Nam cùng hơn 600 nạn nhân Quỳnh Lưu, Nghệ An, đã chứng minh điều đó. Những ngày sắp tới sẽ có hàng ngàn đơn kiện như thế được nộp theo đúng cách Linh mục Đặng Hữu Nam đang làm, khiến tòa án Kỳ Anh nghiễm nhiên trở thành nơi nóng bỏng nhất của ngành tư pháp toàn thế giới.
Việc cấm khởi kiện tập thể từ trước đến nay tưởng rằng khôn ngoan, vì cho rằng sẽ làm nhiều ngàn người có ý định khởi kiện cùng một đối tượng giống nhau phải e dè do ngại đáo tụng đình một mình. Nay các nguyên đơn không còn e ngại nữa, bởi họ đang đứng trước câu hỏi "tồn tại hay là không?", đã biết đoàn kết lại cùng kéo nhau đi kiện. Tòa án nào chịu thấu?
Xin hỏi thẳng, sau ngày hôm nay, liệu nhà nước cộng sản dám đàn áp hàng ngàn nguyên đơn khắp nơi đến tòa án Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện không? Xin thưa, nếu đàn áp xảy ra, những vụ kiện thuần túy dân sự thế này sẽ nhanh chóng bùng lên thành cơn lốc chính trị thổi phăng cái chế độ ngày càng bộc lộ bản chất phản dân của mình ngay lập tức.

Lê Công Định

Monday, September 26, 2016

Tham nhũng quyền lực

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ công bố việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, ảnh chụp hôm 21/9/2016.
Courtesy vnn
Bộ Chính trị vừa công bố việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 16 uỷ viên, trong đó Ban thường vụ Đảng ủy gồm 7 uỷ viên, có 3 lãnh đạo là: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần đầu tiên Tổng bí thư tham gia Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.

Quyền lực tập trung tuyệt đối?

Xét trên mặt chữ nghĩa có vẻ như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng  ngang hàng với Chủ tịch nước và Thủ tướng trong vị trí Ban thường vụ của Đảng ủy Công an Trung ương, nhưng người ta đều biết với chức vụ Tổng bí thư của mình, ông Nguyễn Phú Trong không thể nghe chỉ đạo mà là người chỉ đạo trong bất cứ quyết định quan trọng nào, và việc ông có tên trong Đảng ủy Công an Trung ương là một bước ngoặc quan trọng đối với hệ thống tổ chức của Đảng và chính phủ Việt Nam.
Về mặt Đảng, ông Trọng đương nhiên nắm giữ chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương xem như Tổng tư lệnh quân đội, bây giờ kiêm nhiệm thêm chức vụ Đảng ủy Công an Trung ương thì xem như quyền lực tập trung vào tay là tuyệt đối.
Có khả năng ông ta nhìn thấy đây là một vấn đề xung yếu vừa cần cho ông hiện nay nó đang lộ ra mặt yếu, nó đang có mâu thuẫn nên ông xông vào.
-Nguyễn Khắc Mai
Quyền lực khi tập trung tuyệt đối và không bị chi phối bởi các nhánh khác như lập pháp hay tư pháp sẽ dẫn tới những quyết định độc đoán, chuyên quyền và độc tài không thể tránh khỏi.
Việc một Tổng bí thư kiêm nhiệm luôn vai trò công an được ông Nguyễn Khắc Mai nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết nhận xét:
“Chắc là ông ta muốn tham gia vào đấy để mà lãnh đạo chỉ đạo công an cho nó sát, ý kiến chỉ đạo nó trực tiếp, nó không bị quanh co. Hai nữa ở trong Đảng ủy mà nhất là Thường vụ nữa thì lãnh đạo cái đám Ban cán sự, lãnh đạo của Bộ trực tiếp thì đấy có thể là một cách.
Cách thứ hai có khả năng ông ta nhìn thấy đây là một vấn đề xung yếu vừa cần cho ông hiện nay nó đang lộ ra mặt yếu, nó đang có mâu thuẫn nên ông xông vào. Những dù với động cơ gì, mục đích gì thì sự xông vào ấy là lú lẫn dở hơi chứ không hay ho gì.
Muốn củng cố công an thì không nhất thiết phải xông vào đấy. Cách làm này của Trọng là cách làm rất cũ thời Xô viết cũ bây giờ không ai lại làm như thế trong khi thời đại tin học phát triển như hiện nay. Ông ta muốn tuyệt đối nhất nguyên hóa quyền lực và rõ ràng nó mâu thuẫn với tinh thần thời đại và mâu thuẫn ấy sẽ không cho làm được việc gì.
Giống như tổ chức chống tham nhũng, quy về cho Đảng, cho Ban Nội chính để trực tiếp làm. Nó chồng chéo với cái mà gọi là pháp quyền, mọi chuyện lại phải tâu sang bọn chính phủ, quốc hội rồi các Bộ ngành không có được kết quả gì tử tế. Nó là tinh thần cũ rích của tư duy toàn trị Xô viết, tập quyền độc tài của Mao tiếp diễn.”
000_DD9MY-400.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp đầu tiên quốc hội khóa 14 hôm 20/7/2016. (ảnh minh họa). AFP PHOTO.
Với TS Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến thì cho rằng việc làm của ông Trọng cho thấy sự tham lam quyền lực đã lên tới đỉnh và từ đó không khó để thấy rằng người tham nhũng quyền lực lớn nhất hiện nay là ai:
“Đây là một chuyện chưa từng có ở trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả các Tổng bí thư trước không có ai ngồi vào vị trí đảng ủy công an, bây giờ ông Nguyễn Phú Trong không những là Bí thư Quân ủy Trung ương, nắm quân đội, còn nhảy ra nắm công an sát sườn như vậy thì ông ấy là người tham quyền cố vị.
Người ta có những người lầm tưởng rằng Nguyễn Phú Trọng là người trong sạch không tham ô nhưng tôi cho rằng Nguyễn Phú Trọng là trùm tham nhũng tại Việt Nam. Tham nhũng tiền bạc chỉ là một cái tham nhũng thông thường nhưng tham nhũng quyền lực mới là tham nhũng tệ hại nhất vì quyền đẻ ra tiền, quyền đẻ ra thao túng một cách phi đạo đức.
Nguyễn Phú Trọng tham nhũng quyền lực trong khi ông ấy đã quá tuổi về hưu rồi nhưng vẫn dùng mọi thủ đoạn để được kéo dài cái ghế Tổng bí thư của ông ấy. Lúc bấy giờ khi lên Tổng bí thư đã hứa chỉ ngồi nửa nhiệm kỳ nhưng bây giờ thì không biết ổng ngồi đến bao giờ trong khi tuổi ổng đã cao.
Khi còn trẻ đã mang tiếng là “Trọng lú” thì bây giờ tuổi cao rất hết sức nguy hiểm cho đất nước cho dân tộc này và kể cả cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Bây giờ nhảy ra khống chế cả lực lượng công an thì tôi cho rằng là sự tham lam vô độ, một tội ác đối với đất nước con người Việt Nam.”

Theo chân Tập Cận Bình?

TS kinh tế, nhà báo Phạm Chí Dũng nhìn sự kiện này qua lăng kính  kinh nghiệm của Tập Cận Bình mà ông Trọng đang theo:
“Khả năng là ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay là đang rất muốn thực thực hiện nước cờ và bước đi của Tập Cận Bình từ hồi năm 2013- 2014 Tập Cận Bình đã mở ra chiến dịch lớn đầu tiên triệt Bạc Hy Lai và sau đó là diệt Chu Vĩnh Khang Bộ trưởng Bộ công an.
Tôi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng ham muốn vai trò và quyền lực của Tập Cận Bình nhưng vấn đề là ông Trọng có thể hiện rằng ông có thể làm được chuyện đó hay không, vì đó là bản lĩnh của lãnh đạo.
-Phạm Chí Dũng
Sau khi diệt Chu Vĩnh Khang thì Tập Cận Bình nắm luôn Bộ công an và xử dụng Ủy ban Kỷ luật Trung ương của Vương Kỳ Sơn như là một vụ then chốt, từ đó vai trò của Bộ công an trở nên yếu hẳn đi và vai trò của Ủy ban Kỷ luật Trung ương nâng hẳn lên. Sau khi diệt xong Chu Vĩnh Khang thì Tập Cận Bình xoay sang quân đội và chính thức trở thành tư lệnh và nắm tất cả quân đội Trung Quốc. Hiện nay Tập là người quyết định tất cả vận mạng của lực lượng vũ trang, công an và quân đội.
Tôi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng ham muốn vai trò và quyền lực của Tập Cận Bình nhưng vấn đề là ông Trọng có thể hiện rằng ông có thể làm được chuyện đó hay không, vì đó là bản lĩnh của lãnh đạo.”
Bên cạnh đó, khi vụ Trịnh Xuân Thanh nổ ra dư luận cho rằng ông Tổng bí thư đang quyết tâm triệt hạ tham nhũng nhưng tầng nấc của nó nhiều đến nỗi một mình Ủy ban Kiểm tra Trung ương không thể làm nổi trong khi công an thì ông Trọng không nắm được. Nhận định về ý kiến này TS Phạm Chí Dũng cho biết:
“Cho tới nay đã hơn ba tháng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương của ông Trần Quốc Vượng chưa tìm ra bất kỳ bằng chứng tham nhũng nào của Trịnh Xuân Thanh trong khi toàn bộ hồ sơ nằm tại T46 của Bộ công an. Như vậy khi không tận dụng, không phát huy được vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì có lẽ ông Trong phải tính tới ván bài vào Đảng ủy Công an Trung ương để quyết định, thậm chí thay cho ông Tô Lâm là Bộ trưởng công an.
Ông Tô Lâm mới được “phong chức” trở thành Bí thư Đảng Ủy công an Trung ương vào tháng 5 năm 2016. Thế bây giờ nếu ông Trọng trở thành Bí thư Công an Trung ương có quyền quyết định mọi thứ thì ông Tô Lâm coi như sẽ bị ra rìa.
Nếu ông Trọng trở thành Bí thư Công an Trung ương thì đã đi theo con đường Tập Cận Bình rồi, tức là vừa nắm công an vừa nắm quân đội và thực chất đấy là người trong lực lượng vũ trang chứ không phải ông Trần Đại Quang. Như vậy vai trò Chủ tịch nước của ông Trần Đại Quang sẽ rất là mờ nhạt và có thể nói chẳng biết làm gì nữa.”
Chỉ một ngày sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào Đảng ủy Công an Trung ương, Tuần Việt Nam của VietnamNet đăng ngay bài báo có tựa: “Có những người bán rẻ tổ quốc vì quyền lợi cá nhân” của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, trong đó có đoạn:
“Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi.
Có những suy nghĩ rất ấu trĩ sai lầm khi cho rằng nắm cho chắc lực lượng vũ trang là có thể đẩy lùi sự sụp đổ. Không đâu! Liên Xô ngày trước cả quân đội và lực lượng an ninh Caribê còn rất mạnh, bậc nhất thế giới, vậy mà đến một lúc, khi sự tha hóa đã đến ngưỡng, thì cả một chế độ được cho là thành trì ấy bỗng chốc đổ ào, đến mức không tưởng tượng được, không hiểu nổi.”
Xin mượn nhận xét này làm kết luận cho tiêu đề “tham nhũng quyền lực” và cũng xin cám ơn ba vị Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Thanh Giang và Phạm Chí Dũng đã cho nhận xét về một vấn đề rất quan trọng của đất nước hiện nay.
Theo Mặc Lâm - RFA

Get paid to share your links!