Wednesday, August 31, 2016

Công An và Hiến Pháp !!!

 Trong mấy ngày nay, báo chí viết nhiều về vụ việc công an bắt cóc trẻ con (cùng bố đứa trẻ). Chưa luận đến việc có hành vi bắt cóc không, nhưng tôi thấy người dân chúng ta nên lưu tâm một số câu nói của Đại Tá Hoàng (xem hình đi kèm).
Đầu tiên, Đại Tá Hoàng nói rằng “Trong quy trình thực hiện công tác điều tra, có những lúc mời hoặc bắt không như thông thường.”
Tôi không biết “bắt không như thông thường” của Đại Tá Hoàng là sao, nhưng tôi có thể khẳng định rằng Hiến Pháp Việt Nam, đạo luật căn bản và tối cao nhất của Việt Nam, đã quy định rõ “bắt” là phải như thế nào. Điều 20 của Hiến Pháp nói rằng “không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang.”
“Bắt không như thông thường” của Đại Tá Hoàng có phải là bắt không có quyết định của Tòa án, không có phê chuẩn của Viện kiểm sát, hay không bắt quả tang? Nếu vậy thì Đại Tá Hoàng, và nhiều đồng chí công an khác, không chỉ đang “bắt không như thông thường”, mà còn đang “bắt giữ người trái hiến pháp.”
Đại Tá Hoàng nói tiếp rằng “có những tình huống chỉ là mời nhưng sau đó để bắt, hoặc có những lúc phải áp dụng đồng thời cả hai biện pháp.” Theo tôi, “mời” và “bắt” là 2 hành động và hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Người được mời có quyền từ chối. Người bi bắt không có quyền từ chối. Vậy khi áp dụng đồng thời cả 2 biện pháp, hay khi áp dụng hình thức “mời, sau đó để bắt”, Đại Tá Hoàng và một số đồng chí công an khác phải chăng đang tạo ra một trường hợp phá cách khác, trường hợp “người được mời không có quyền từ chối” ?
Nếu vậy, tôi xin khẳng định đây là hành động vi hiến. Ngoài Khoản 2 Điều 20 của Hiến Pháp có quy định về việc bắt người đúng hiến pháp, Khoản 1 của Điều này cũng quy định rõ “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể”, Khoản 1 Điều 21 quy định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư”, và Điều 23 của Hiến Pháp cũng khẳng định lại rằng “công dân có quyền tự do đi lại.” Như vậy, Hiến pháp hoàn toàn không cho phép trường hợp “người được mời không có quyền từ chối” tồn tại trong xã hội Việt Nam.
Bắt và mời người không như thông thường, bắt và mời cùng một lúc, và mời rồi để bắt của Đại Tá Hoàng và nhiều đồng chí công an đang nói, đang thực hiện là sao ? Có phải là như tôi vừa giả định và phân tích ? Nếu quả đúng là vậy thì thật nguy hiểm. Thật vô pháp.
Nếu những câu nói đầu tiên của Đại Tá Hoàng là mập mờ vi hiến, thì cá nhân tôi xin khẳng định rằng câu nói tiếp theo của đồng chí này đã rõ ràng vi hiến. Đại Tá Hoàng nói “việc hiểu là mời hay là bắt thì mỗi người có thể hiểu theo mỗi hướng, sau này lực lượng công an sẽ thông báo cụ thể.”
Theo tôi, Đại Tá Hoàng và các đồng chí công an không được phép thông báo cụ thể sau này !!! Các anh phải thông báo ngay lập tức, ngay tại thời điểm các anh tiếp cận người dân rằng các anh đang muốn bắt họ hay mời họ !!! Điều 20, 21 và 23 của Hiến Pháp đã quy định rõ ràng người dân chúng ta có quyền bất khả xâm phạm thân thể, bất khả xâm phạm về đời sống riêng tự, và quyền “không bị bắt” khi không có quyết định của Tòa Án, Viện Kiểm Sát hay khi không bắt quả tang. Luật Pháp Việt Nam cũng đã quy định rõ ràng khi bắt người, công an phải thông báo, trình bày và cung cấp những thông tin, tài liệu nào cho người bị bắt và những người xung quanh. Không có chuyện ai thích hiểu theo hướng bắt hay mời thì hiểu; chỉ có thể 1 hướng: hoặc bắt, hoặc mời, và Đại Tá Hoàng cùng các đồng chí công an khác phải là người thông báo hướng đó cho người dân. Đó là quyền con người của người dân. Hiến Pháp và Luật Pháp Việt Nam không bao giờ cho phép hành vi “bắt rồi thông báo sau” mà theo như Đai Tá Hoàng nói. Quá là vô pháp.
Vô pháp thế là chưa đủ. Đại Tá Hoàng lại tiếp tục phát ngôn ra một câu nói, mà theo tôi là, vô pháp tiếp theo: “một điều chắc chắn đó là đối tượng đã vi phạm pháp luật.” Tôi yêu cầu đồng chí đọc lại Điều 31 của Hiến Pháp Việt Nam, theo đó “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” Đồng chí có phải là Tòa án không ? Không phải. Đồng chí là Đại Tá Hoàng, là công an, vậy sao đồng chí lại tước quyền kết tội của Tòa án. Câu nói chắc chắn kết tội người dân của đồng chí, theo tôi, là vô pháp, là vi hiến.
Để có thể phát ngôn ra được hàng loạt câu nói vi hiến như vậy, theo tôi, có 2 khả năng.
Khả năng thứ nhất là Đại Tá Hoàng chưa thuộc hoặc không hiểu Hiến Pháp Việt Nam. Nếu trường hợp này là đúng, tôi đề nghị tạm thời đình chỉ Đại Tá Hoàng khỏi công việc, và cấp tốc cho đồng chí đi học một lớp bổ túc về Hiến Pháp và Luật Pháp Việt Nam. Một người mang nhiệm vụ thực thi pháp luật không thể là một người kém hiểu biết về pháp luật.
Tôi không tin vào khả năng thứ nhất cho lắm, do theo tôi được biết, điểm vào của các trường đào tạo công an của Việt Nam ta rất cao, các đồng chí công an được đào tạo ra lại rất ưu tú và giỏi giang. Và, bản thân tôi cũng tin tưởng vào trình độ của các đồng chí công an nước nhà. Vì vậy, khó có chuyện Đại Tá Hoàng lên được chức Đại Tá mà lại không đủ giỏi để thuộc và hiểu Hiến Pháp được. Do đó, có khả năng trường hợp thứ 2 sau sẽ đúng hơn.
Khả năng thứ hai là Đại Tá Hoàng đã thuộc, đã hiểu Hiến Pháp Việt Nam, nhưng cố tình phát ngôn và hành động vi hiến. Nếu đúng là vậy, thì quả thật nguy hiểm cho xã hội Việt Nam. Tôi đề nghị Bộ Công An nhanh chóng vào cuộc điều tra và xem xét để bảo đảm trường hợp số 2 không xảy ra, do dựa trên tinh thần phát ngôn của Đại Tá Hoàng thì ngoài đồng chí này, còn có thể rất nhiều đồng chí công an khác đang phát ngôn và hành động vi hiến như vậy.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nên xem xét vào cuộc điều tra và chấn chỉnh phát ngôn và hành vi vi hiến của Đại Tá Hoàng và nhiều đồng chí công an khác, do trước đây ngài đã là Bộ Trưởng Công An, và đặc biệt, vào ngày nhận chức, ngài đã đặt tay lên quyển Hiến Pháp và tuyên thệ tuyệt đối trung thành và bảo vệ Hiến Pháp Việt Nam. Tôi tin tưởng vào ngài và lời nói của ngài.
Nếu Đại Tá Hoàng đang ở trong Đảng, tôi cũng hy vọng các đồng chí lãnh đạo Đảng của nước ta xem xét phát ngôn và hành vi của đồng chí Hoàng đã đúng đắn chưa, khi đồng chí không thuộc hoặc cố tình làm sai Hiến Pháp Việt Nam, đạo luật tối cao mà ngay tại Điều 4 đã nói rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước xã hội”, và “đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.” Chưa kể tới việc Hiến Pháp Việt Nam 2013 đã được thông qua bởi Quốc hội khóa XIII, với tỷ lệ hơn 90% là Đảng viên; như vậy, cũng có thể nói Đại Tá Hoàng đang có dấu hiệu coi thường quyết định, chính sách và cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi coi một số câu nói của Đại Tá Hoàng, một số hành vi “không bình thường” của nhiều đồng chí công an, là vô pháp, là vi hiến, là coi thường Nhân dân, Nhà Nước và Đảng. Tôi hy vọng Nhân dân, Nhà Nước và Đảng sẽ xem xét và chú ý thực trạng nguy hiểm này của xã hội nước ta hiện tại.
FB Hoang Tran

GIẢI PHÁP ĐƯA NGƯỜI VỀ VỚI BIỂN MIỀN TRUNG.

ảnh mang tinh minh hoạ
nguồn Internet

Tổ chức các cuộc thi hoa hậu tại các Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế và Đà Nẵng gồm: Hoa hậu biển 2016; Hoa hậu quý bà 2016; Hoa hậu ngành Công an; Hoa hậu ngành Tài nguyên và Môi trường; Hoa hậu ngành y tế; Hoa hậu ngành dân vận, tuyên giáo...Với màn thi tài năng là bơi lội, chèo thuyền tại các vùng biển này. Ngoài ra, phần thi áo tắp được thực hiện trên bãi biển. Điều kiện dự thi là các thí sinh phải là công chức, Đảng viên.

Mục đích đạt được rất to lớn gồm:
1. Khách đổ về các vùng biển này đông như đi hội.
2. Thể hiện rằng các Đảng viên luôn là người tiên phong.
3. Khẳng định các tuyên bố của ngành tài nguyên là biển đã sạch.
Cuối cùng: Nếu có sự cố thì chúng ta giảm biên chế thành công.


FB Tran Thu Nam

ĐƯỜNG ĐI CỦA CÔNG LÝ


Càng làm nhiều vụ án, càng đi sâu vào luật pháp, càng thấy nó là thứ xa xỉ đến cùng cực.
Công lý như một chiếc gậy của kẻ mù loà, khua khoắng trúng vào ai thì đó là may mắn như một sự kỳ diệu của điều ước thứ 7 dành cho người trúng được.
Hôm qua tôi im lặng cả ngày vì phải ngồi một phiên toà bào chữa cho bị cáo chưa thành niên trong một vụ giết người - và sau phiên toà là một nỗi thất vọng ghê gớm nên không có tâm trạng để viết bất cứ thứ gì khác.
Hồ sơ vụ án ít ỏi và lỏng lẻo, thiếu chứng cứ, không dựng lại hiện trường vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt nhiều tội phạm, bị cáo chưa thành niên không được chỉ định luật sư ngay từ đầu, người giám hộ chỉ được đưa các bản khai/bản cung của bị cáo cho ký (trong vòng 3 tháng kể từ khi bị bắt giam đều diễn ra tình trạng này) mà không được tham dự. Lời khai của nhiều bị cáo và nhân chứng mâu thuẫn nhau. Vật chứng không được thu thập đầy đủ, nhất là quần, áo của các bị cáo khác mà chỉ thu thập duy nhất quần áo của bị cáo chưa thành niên. Không làm rõ ai đâm, hung khí không được chụp ảnh mà chỉ do bị cáo vẽ lại. Nhưng tại phiên toà Kiểm sát viên vẫn cứ giữ nguyên điệp khúc "bảo lưu quan điểm, và dù có mâu thuẫn lời khai của những bị cáo, người liên quan, người làm chứng nhưng các chứng cứ có trong hồ sơ và qua phần thẩm tra tại phiên toà đã cho thấy chúng phù hợp và không ảnh hưởng gì đến nội dung vụ án".
Một lập luận thường thấy của kiểm sát viên ở xứ ta và quả là bất chấp luật pháp. Họ không đối đáp và đưa ra căn cứ cụ thể nào để tranh luận lại lời bào chữa của tôi. Họ chỉ nói vậy thôi.
Việc kết tội một ai đó, phải dựa trên trình tự, thủ tục, chứng cứ hợp pháp, khách quan và toàn diện. Và tính hợp pháp của chứng cứ được đánh giá dựa trên việc tuân thủ nghiêm ngặt quá trình thu thập, xử lý và đánh giá theo luật tố tụng. Và việc kết tội bị cáo dựa trên các chứng cứ, cả buộc tội và gỡ tội, phải là các chứng cứ đảm bảo theo luật tố tụng. Vì vậy khi đã vi phạm luật tố tụng thì các chứng cứ và quá trình chứng minh tội phạm trở thành các chứng cứ và thủ tục bất hợp pháp, thì điều đó đồng nghĩa với việc mọi sự kết tội dựa trên các chứng cứ và thủ tục bị vi phạm ấy đều trở nên vô hiệu (bất hợp pháp).
Thế nhưng, với đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại và huỷ các lời khai của toàn bộ quá trình bị cáo chưa thành niên kia không có người giám hộ và luật sư tham gia, toà vẫn phán quyết một bản án khiên cưỡng, quy kết và lắp ghép các tình tiết thực sự bất công và vô lý, bằng một mức án quá khủng khiếp.
Không thể biết và không thể hiểu với một lực lượng tố tụng với tư duy sai lầm, lạc hậu và bất chấp kiểu ấy thì tính mạng và quyền con người sẽ đi về đâu và rồi sẽ ra sao?
Công an thì mời người lên làm việc bằng cách bắt người vô pháp, vi Hiến. Người dân thỉnh thoảng lại chết sau khi rời trụ sở công an. Người ta đang định làm gì với pháp luật và tính mạng con người thế này?
Sống lâu ở một nền tư pháp kiểu ấy, người ta bỗng luôn thấy mình là kẻ thất bại đầy đau đớn.
FB Lê Luân

Get paid to share your links!