Wednesday, July 20, 2016

Khi nào ta được ăn sạch?

Khoai tây Trung Quốc nhập về chỉ có giá khoảng 3.500 đồng/kg, được người bán khoác “áo đất mới” màu đỏ hồng giả khoai tây Đà Lạt để bán ra với giá gấp 5-7 lần - Ảnh: Lâm Viên
N
hiều năm nay chúng ta phải ăn bẩn, uống bẩn nhưng không có cách nào tránh. Thứ nhất vì thiếu thông tin. Thứ 2 vì thiếu nguồn cung cấp sạch. Thứ 3 vì nếu không ăn thì biết ăn gì? Thêm một yếu tố nữa là nghèo. Vì nghèo, ít tiền nên đành phải chấp nhận ăn đồ rẻ dù biết rằng nó không tốt. Nói tóm lại, thôi thì vẫn phải ăn đã, chuyện chết chóc tính sau.
Ông chồng tôi nhiều lần gào lên: Tôi không muốn ăn đồ độc hại đâu, bà làm sao thì làm, cứ kiểu này rồi vào bệnh viện cả nhà!
Tôi cũng gân cổ lên cãi: Thì ông cứ đi chợ hàng ngày rồi khắc biết. Từ củ hành, củ tỏi, cà rốt, khoai tây, trái cây đủ loại… đều của Trung Quốc làm sao mà lựa chọn đây?
Bà bán hàng ngọt nhạt: Chị cứ lựa cà rốt có lá là của VN, không lá đích thị của Trung Quốc. Nhưng một ông hàng rau tốt bụng mách nước: Chị đừng có lầm, bây giờ cà rốt có lá cũng của Trung Quốc luôn, có điều màu của nó đỏ hơn, củ đều nhau hơn. Quýt vàng của Trung Quốc thì người bán nói của Thái Lan, nhưng thùng quýt vất bên cạnh toàn chữ Tàu. Ngay hạt dẻ Trung Quốc được rang bán trên các đường phố Sài Gòn cũng ghi là “Hạt dẻ Thái Lan”. Hô hô, đúng là lừa đảo không có đẳng cấp. Thái Lan đâu có trồng dẻ mà xuất khẩu qua Việt Nam chứ.
Chỉ có người mua nhầm chứ người bán không nhầm, chẳng qua vì mấy đồng bạc mà họ lừa đồng bào mình. Nhưng đừng nói rau củ của Trung quốc, ngay hàng của Việt Nam nhiều thứ cũng độc hại không kém. Cách đây khoảng 20 năm, chúng ta không bao giờ phải lăn tăn về việc rau quả nhiễm thuốc trừ sâu, chất bảo vệ thực vật độc hại. Có lẽ lúc đó người Việt chưa du nhập cái thói làm ăn thất nhân như bây giờ.
Nói đi cũng phải nói lại (dù điều này đã nói rất nhiều trên báo chí), tất cả cũng do cách quản lý tồi mà ra. Năm ngoái, Việt Nam đã thẳng thừng ngừng nhập khẩu 38 loại trái cây của Úc, quốc gia có nền nông nghiệp phát triển với kỹ thuật canh tác và quy trình kiểm soát sản phẩm chặt chẽ, vì lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến vi trùng từ loài ruồi giấm có trong hoa quả nhập khẩu từ Úc. Mãi đến đầu tháng 8.2015 (sau 8 tháng), ta mới cho nhập trở lại ba loại quả là cam, quýt và nho sau khi đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tại Úc và nhận thấy 3 loại quả này đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật của VN.
Ôi chao, giá như thực phẩm đến từ nước nào cũng được canh kỹ càng thế thì may cho dân biết mấy. Trong khi đó, ở một “mặt phẳng” khác, người dân được khuyến cáo phải thông minh khi chọn ăn thực phẩm. Nhưng thông minh mấy cũng chẳng lại được với thế trận thiên la địa võng của thực phẩm bẩn. Báo Tuổi trẻ dẫn lời một cán bộ Hải quan TP.HCM lưu ý, theo quy định, trái cây nhập khẩu vào VN theo con đường chính ngạch đều được kiểm dịch tốt, những loại quả không đạt chuẩn sẽ không được phép thông quan, nhưng với nguồn hàng được nhập qua tiểu ngạch, việc kiểm soát chất lượng đang bị bỏ ngỏ.
Nếu ngay cả hàng chính ngạch mà ta còn có thể ngưng nhập khẩu khi thấy có dấu hiệu không an toàn thì tại sao hàng tiểu ngạch lại không thể?. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng đã xác định, rất nhiều loại rau quả nhập theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc có dư lượng lớn thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Nhưng cứ thử lên mấy cửa khẩu phía Bắc mà xem, hàng rau, quả, củ vẫn kìn kìn đổ về VN và tung hoành từ thành thị về tới nông thôn, vùng sâu vùng xa, đánh bạt hàng nội bằng giá cả rẻ bèo.
Gần đây, đọc báo thấy nói trái cây Trung Quốc “đại bại” ở Sài Gòn do hàng chất lượng từ Mỹ, Canada, Úc, Pháp, New Zealand… tràn vào nhờ hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước (dù mới đang trong quá trình đàm phán hay chờ có hiệu lực). Ơn Giời, nếu như các hiệp định thương mại, đặc biệt là TPP có hiệu lực thì người dân sẽ được hưởng lợi về nhiều mặt trong đó có nguồn thực phẩm sạch từ các nước tiến tiến xuất qua. Thông tin này khiến người dân phấn khởi, nhưng cũng không kém ngậm ngùi. Việt Nam là xứ sở cây trái quanh năm với đủ loại phong phú, chất lượng vậy mà vẫn bị hàng ngoại tước thị phần ngay trên đất của mình và khốn đốn khi xuất ngoại.
Nếu như công tác quản lý thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phân phối sản phẩm được thực hiện đúng với tên gọi và chức năng của nó chắc sẽ không có cảnh người chăn nuôi, trồng trọt trong nước lao đao vì nạn được mùa, mất giá, chặt cây này, trồng cây kia, hay người dân phải ăn bẩn mãi.
Tôi rất ngại khi phải dùng từ “nếu như”. Không thể tiếp tục để người dân phải đặt thêm giả định, các cơ quan chức năng cần thể hiện tính chuyên nghiệp của mình, nhất là khi VN đang đứng trước nhiều vận hội mới. 
Tôi rất tâm đắc với sự thẳng thắn của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng khi ông nói với hai vị bộ trưởng Y tế và Nông nghiệp khi 2 vị này đổ lỗi cho nhau trong quản lý an toàn VSTP: “Thưa anh Phát và chị Tiến, anh chị nói rằng các bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng dân bây giờ vẫn ăn bẩn thì tốt cái gì? Nói thế không được. Nói thế thì tức là bảo dân cứ tạm thời ăn bẩn đi, chúng tôi còn phải có lộ trình à? Cần phải có biện pháp rất nhanh”.
Hơn thế, người dân cần được sống trong môi trường sạch về mọi mặt chứ không chỉ trong ăn uống.
Lê Ngọc Khanh

No comments:


Get paid to share your links!